News
  • 11 tháng 10, 2022

    5 bài test A/B cần chạy trong quá trình soft launch

    Nếu bạn còn chưa quen về khái niệm A/B test, thì khái niệm này khá đơn giản. Gửi 3 phiên bản game của bạn cho 3 nhóm người chơi khác nhau: nhóm A, nhóm B và một nhóm Control. Một nhóm người dùng sẽ dùng phiên bản A, một nhóm khác dùng phiên bản B, và nhóm còn lại (nhóm Control) sẽ dùng phiên bản gốc. Bạn đem so sánh kết quả từ người dùng của những phiên bản này với nhau, và phiên bản tốt hơn sẽ được giữ lại.

    Nhưng khi nào thì nên bắt đầu thực hiện A/B testing? Và cụ thể là nên thực hiện kiểm thử những gì?

    Soft launch chính là thời điểm phù hợp nhất

     

    Trước khi có thể thực hiện kiểm thử, bạn sẽ cần đến người chơi. Và thời điểm tốt nhất để tìm kiếm người chơi chính là soft launch (dù sao thì trước đó bạn cũng sẽ phải mất thời gian fix bug đã). Và bạn cũng sẽ không muốn đợi cho tới khi đã phát hành rồi mới bắt đầu kiểm thử những ý tưởng hiện có.

    Thời điểm khi mà game đã gần hoàn thành, nhưng bạn chưa công bố thông tin chính thức hay chưa đầu tư nhiều vào việc marketing, chính là thời điểm tốt nhất để kiểm thử. Bạn có thể thử nghiệm những ý tưởng kỳ quặc, sáng tạo, và loại bỏ đi những thứ không phù hợp cho game.

    Thời điểm nêu trên cũng là lúc để bạn kiểm nghiệm liệu linh cảm của bạn có đúng hay không. Đó cũng là lúc thử đánh cược và tìm ra ý tưởng tốt nhất; là lúc lựa chọn những quyết định mà không ai cảm thấy chắc chắn, như là việc chọn lựa xem sẽ hiển thị hình ảnh gì khi game đang khởi động hoặc đang cập nhật.
     

    1. Kiểm thử quảng cáo
     

    Chúng ta đều đã gặp phải những lúc vừa mới vào một game đã bị khủng bố với hàng đống các quảng cáo, làm rối rắm quá trình chơi game cho tới mức bạn cảm thấy phát bực và xoá game. Đương nhiên, chúng ta đều biết điều đó. Nhưng, bạn vẫn cần phải hiển thị quảng cáo (nếu đó là mô hình của bạn). Vậy thì, điểm cốt yếu ở đây là tìm ra điểm cân bằng: đủ để tạo ra doanh thu, nhưng không quá nhiều để tránh làm cho người chơi cảm thấy bực bội.

    Thế thì, nên chạy quảng cáo với tần suất như thế nào? Mỗi level? Mỗi 5 level? Loại quảng cáo sẽ chạy nên là gì? Là một video cho thưởng khi xem hay là một banner ở phía dưới cùng của màn hình? Và, nếu bạn đang sử dụng banner, thì banner đó nên ở đâu? Dưới cùng? Trên cùng? Dọc theo màn hình? Hay là ở ngay chính giữa màn hình?
     



     

    2. Kiểm thử giá cả trong game

     

    Có hai mặt trong vấn đề này. Một là nền kinh tế trong game, và hai là giá trị ngoài đời thực.

    Khi nói đến giá trị ngoài đời thực, thì vấn đề khá là đơn giản. Người chơi sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho một gói mới, một chút gem hoặc một vật phẩm trang trí? Liệu một dollar là vừa đủ hay là quá cao? Nếu bạn đưa ra các gói ưu đãi thì sao? Giảm giá đến chừng nào sẽ là mức kích thích phù hợp? Đâu là ngưỡng quyết định giữa việc gói ưu đãi đưa ra là một món hời, so với việc giá gốc có cảm giác là quá cao? (Nếu rơi vào tình trạng này, bạn có thể sẽ thấy người chơi thậm chí không mua cả những gói ưu đãi vì bất bình).

    Nhưng bạn cũng có thể kiểm thử những cách để cải thiện nền kinh tế trong game. Ví dụ, bạn đã tích góp tất cả những bình thuốc tốt nhất để dành cho boss cuối trong game - chỉ để thấy rằng hoá ra bạn chẳng thật sự cần đến những bình thuốc đó. Có thể khuyến khích người chơi sử dụng những item đó bằng cách giảm giá mua đi không? Nếu bạn chuyển giá mua item thành một kiểu điểm mana có thể khôi phục thì sao?

    Cuối cùng là, bạn nên nghĩ về tiền tệ ảo trong game: điểm giao thoa giữa thế giới thực và thế giới ảo. Bạn nên cho người chơi tài nguyên có thể mua được bằng tiền thật với tốc độ như thế nào? Bạn sẽ không muốn người chơi cảm thấy game của bạn là pay-to-win, nhưng cũng sẽ không muốn cho người chơi quá nhiều tài nguyên đó và khiến cho người chơi cảm thấy chẳng có lý do gì để mua tài nguyên đó.

    Dù cho là tiền tệ ảo trong game, là kinh tế trong game, hay là một vật phẩm nhất định, một thay đổi nhỏ có thể tạo ra ảnh hưởng to lớn.

    3. Kiểm thử độ khó của màn hướng dẫn chơi

     

    Khi bạn thực hiện A/B test, thì gần như sẽ chỉ có người chơi mới chơi thử. Vậy nên, yếu tố quan trọng nhất đối với game của bạn chính là hướng dẫn. Bạn sẽ khó có thể thấy sự khác biệt nếu bạn thử hai phiên bản trò chơi có của các viên ngọc khác nhau nhưng chỉ xuất hiện một nửa thời gian trong game.

    Thay vào đó, hãy tập trung vào những level khởi đầu. Nếu bạn cho người chơi quá nhiều phần thưởng quá sớm, những phần thưởng đó sẽ mất đi giá trị và người chơi sẽ cảm thấy nhàm chán. Nhưng, nếu những level đầu quá khó, hoặc không thưởng người chơi vừa đủ, thì người chơi sẽ trở nên chán nản và bỏ cuộc.

    Cách giải quyết chính ở đây là phát hiện ra những dữ liệu xuất hiện lặp đi lặp lại. Có một lượng lớn người chơi bỏ cuộc sau khoảng một tiếng thời gian chơi? Vậy hãy nhờ một người bạn, quan sát họ chơi game của bạn và xem vấn đề gì xảy ra khi họ đã chơi game được một tiếng đồng hồ. Có thể là họ đã dành năm phút cố gắng giải quyết một vấn đề và bạn chỉ cần thêm một gợi ý. Hoặc có lẽ đối với họ mười lăm phút thời gian chơi vừa rồi có vẻ bị lặp đi lặp lại.

    Nên thiết lập và thực hiện những A/B test ảnh hưởng tới độ khó đối với tất cả những level hướng dẫn của bạn, và đồng thời kiểm thử cả một số level nhất định. Ví dụ, hình dung rằng bạn đang kiểm thử tốc độ của một quả bóng. Một bài kiểm thử có thể sẽ ảnh hưởng tới tất cả các level: nên để tốc độ quả bóng nhanh hơn hay chậm hơn? Nhưng nếu như đó chỉ là một level nhất định có độ khó cao hơn thì sao? Để tối ưu cho mỗi level, bạn sẽ muốn có nhiều bài kiểm thử riêng biệt.
     

    4. Kiểm thử tính thẩm mỹ của game
     

    Sẽ luôn có những lựa chọn khó khăn khi xét về tính thẩm mỹ của game. Đôi khi đó chỉ là vấn đề nhỏ, như là việc một nút bấm trong game nên có màu xanh lục hay xanh lam. Nhưng đôi khi lại có thể là một vấn đề lớn. Có thể là bạn đang lựa chọn xem viên ngọc nào trong game sẽ được coi là có giá trị nhất và sẽ đem lại cho người chơi nhiều điểm nhất. Bạn thường sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi một thay đổi nhỏ có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn.

    Nếu như bạn có thời gian, và nếu đội ngũ của bạn có đủ sự kiên nhẫn, bạn hoàn toàn có thể xét đến việc kiểm thử những nhân vật có trong game của bạn. Giả dụ, bạn có một nhiệm vụ phụ trong game mà bạn muốn người chơi tham gia. Liệu người chơi sẽ giao tiếp với nhân vật giao nhiệm vụ trong game nhiều hơn nếu nhân vật đó là một tên orc bí ẩn hay nếu nhân vật đó là một high-elf xinh đẹp?
     

    5. Kiểm thử giao diện cửa hàng trong game
     

    Vấn đề cuối cùng là, nên thử nghiệm với việc hiển thị những item và gói ưu đãi trong game như thế nào trong cửa hàng game. Bạn có thể thay đổi thứ tự, kích thước, cũng như màu sắc và những yếu tố tạo ấn tượng xung quanh để tìm ra cách nào sẽ thu hút người chơi hơn cả.


     


     

    Đương nhiên là, sẽ luôn có một số cách làm phổ biến để học theo. (Ví dụ, bán có thể sẽ muốn menu trong game của bạn hiển thị ở góc trái trên cùng của màn hình). Nhưng tất cả những cách làm phổ biến đó chỉ mang tính chất hướng dẫn. Hãy nghiên cứu những game khác làm thế nào và xét xem liệu cách làm đó có phù hợp với bạn hay không.
     

    Đó chính là ý nghĩa của một lần thử nghiệm: để xem rằng liệu những yếu tố bạn đưa vào có phù hợp cho game của bạn cũng như phù hợp với người chơi hay không.